Giới thiệu
Di tích khảo cổ học Hòa Diêm tọa lạc tại thôn Hòa Sơn, xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm TP. Cam Ranh khoảng 5km về phía nam. Di chỉ phân bố trên cồn cát ven biển cao khoảng 4m, gần sông Tà Lưa và các bàu nước tự nhiên – yếu tố thuận lợi cho đời sống cư dân cổ.
Lịch sử hình thành:
Di tích có toạ độ địa lý 11053’14.77” độ vĩ Bắc và 109006’35.14” độ kinh Đông, phân bố trên một cồn cát ven vịnh biển có độ cao khoảng 4m so với mặt nước biển. Khu vực phân bố di tích chủ yếu nằm tập trung ở xung quanh đình Hoà Diêm cũ (hiện nay đã di dời) và trên đất trồng hoa màu của người dân địa phương. Cũng bởi trên khu vực di chỉ còn tồn tại một ngôi đình cũ nên di chỉ còn được gọi với tên Hoà Diêm Đình hay Đình Hoà Diêm để phân biệt với các di chỉ được phát hiện ở thời gian sau này.
Hoà Diêm là di tích nằm trên cồn cát cao, cuộc sống phụ thuộc vào nguồn nước ngọt cuả con sông Tà Lưa và các bàu nước xung quanh vịnh Cam Ranh. Vì ở sát biển nên thức ăn chủ yếu dựa vào nguồn thức ăn biển như sò, ốc, hàu, cá… là “Văn hoá cồn sò điệp” tích tụ trong tầng văn hoá dày đặc vỏ nhuyễn thể biển; thêm nữa các vết tích xương, răng động vật từ Biển – Núi là thức ăn chính của cư dân ở đây.
Di chỉ được phát hiện vào tháng 2/1998, do đoàn nghiên cứu của Viện Khảo cổ học đi khảo sát các di tích thuộc văn hóa Chămpa ở ba tỉnh Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Trong đợt điền dã, đoàn đến thôn Hòa Diêm (nay là thôn Hòa Sơn), đã phát hiện một số mảnh gốm, vết tích đầu tiên của địa điểm khảo cổ học. Những năm sau đó (1999, 2002, 2007, 2010, 2011), Bảo tàng tỉnh thường xuyên phối hợp với Bảo tàng Quốc Gia, Viện Khảo cổ học, Viện Khoa học, Xã hội vùng Nam Bộ, Bảo tàng Nhân học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Waseda – Nhật Bản, tiến hành thám sát, khai quật, nghiên cứu di chỉ.
Căn cứ vào cuộc khai quật và kết hợp với kết quả của các đợt điều tra thám sát trước đó, các nhà khoa học nhận định: qua địa tầng di tích và di vật cho thấy Hoà Diêm là một di chỉ cư trú, đồng thời là khu mộ táng gồm nhiều loại hình mộ khác nhau mà mộ chum hình cầu là tiêu biểu nhất. Di chỉ cư trú phân bố trên một diện tích khá rộng, địa tầng của các hố đào đã thể hiện điều đó, có khu vực còn giữ lại vỏ nhuyễn thể, có nơi không có nhuyễn thể.
Niên đại di tích được xác định vào khoảng thế kỷ I TCN – II SCN, tương đương với văn hóa Sa Huỳnh muộn, thể hiện qua các hiện vật và đồng tiền Ngũ Thù tìm thấy trong mộ M6. Hòa Diêm được xem là mắt xích chuyển tiếp từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Chăm Pa.
Các cuộc khai quật đã thu được hàng vạn hiện vật:
- Gốm: bình, nồi, bát bồng, âu… nhiều hoa văn in răng lược, hình elíp, hình học, mép sò…
- Đồ trang sức: hạt chuỗi đá mã não, đá quý, thuỷ tinh, kim loại màu vàng.
- Công cụ: làm từ đá, xương, vỏ nhuyễn thể.
- Mộ chum và tùy táng: thể hiện sự phát triển phức tạp về nghi lễ mai táng và tín ngưỡng.
Hòa Diêm không chỉ là một di tích quan trọng của Khánh Hòa, mà còn là cầu nối giao lưu văn hóa giữa các vùng Nam Trung Bộ – Nam Bộ – Tây Nguyên và cả khu vực Đông Nam Á. Đặc điểm chum táng, kỹ thuật chế tác gốm, phong cách đồ tùy táng… cho thấy sự ảnh hưởng và tương đồng với các di chỉ như Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt (Đông Nam Bộ) và nhiều nơi khác trong khu vực.
Địa điểm: Thôn Hòa Sơn, xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa
Place ID: ChIJP9Qs6j7scDERFx0XRI1XR0U
#vanhoa #ditichlichsu #ditichdichikhaocohochoadiem #vanhoatruyenthong #vanhoanhatrang #vanhoakhanhhoa #historicalsite #culture